
Thực hiện kế hoạch 01-KH/CBKNN ngày 04 tháng 01 năm 2022 của Chi bộ khoa Nông nghiệp về việc Thực hiện chuyên đề năm 2022 về đẩy mạnh học tập và theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ngày 08/04/2022 tại phòng 11, cơ sở 1, Chi bộ Khoa Nông nghiệp đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh quý I với chủ đề “Xây dựng ý thức tự lực, tự cường trong xây dựng và phát triển Đảng Cộng Sản Việt Nam”. Nội dung chuyên đề do đồng chí Dương Thị Bích Huyền phụ trách với sự tham dự của tất cả các đảng viên trong Chi bộ cùng sinh hoạt.
Đ/c Dương Thị Bích Huyền trình bày chuyên đề tại buổi họp
Trong quá trình tìm đường cứu nước cũng như lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao tinh thần tự lực, tự cường, tự lực cánh sinh và coi đó là phương châm hành động của cách mạng Việt Nam. Nhờ đường lối đúng đắn đó, cách mạng Việt Nam đã giành được những thắng lợi vĩ đại.
Nếu “tự lực” có nghĩa là dựa vào sức mình để sống và làm việc, tuyệt đối không trông chờ, ỷ lại vào người khác thì “tự cường” có nghĩa là tự làm cho mình mạnh lên, không chịu thua kém người khác, dân tộc khác. Tự lực, tự cường, tự chủ là những phẩm chất tốt đẹp của mỗi con người, mỗi dân tộc vì chứa đựng trong đó lòng tự trọng, ý chí vươn lên và khát vọng khẳng định bản thân. Là người tìm đường và dẫn đường cho dân tộc, Hồ Chí Minh luôn đề cao tinh thần tự lực, tự cường và nổi bật trong tư tưởng đặc sắc đó của Người gồm bốn nội dung chính. Thứ nhất, Hồ Chí Minh coi tự lực, tự cường là tiền đề của độc lập tự do và là điều kiện tiên quyết để phát triển quan hệ, vị thế ngoại giao. Thứ hai, Hồ Chí Minh khẳng định phát huy tinh thần tự lực, tự cường là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong mọi chặng đường lịch sử. Thứ ba, Hồ Chí Minh cho rằng tinh thần tự lực tự cường của dân tộc phải được xây đắp bằng ý chí tự lực tự cường, tự lực cánh sinh của mỗi cá nhân. Thứ tư, Hồ Chí Minh khẳng định việc phát huy tinh thần tự lực, tự cường hoàn toàn không loại trừ việc tranh thủ sự giúp đỡ của thế giới trên nguyên tắc lấy nội lực làm nhân tố quyết định.
Đ/c Nguyễn Thị Kiều – Bí thư Chi bộ khoa NN tham gia thảo luận và rút ra các bài học sâu sắc trong buổi sinh hoạt
Nội dung chuyên đề đã được các đồng chí trong Chi bộ khoa Nông nghiệp thảo luận sôi nổi và rút ra nhiều bài học sâu sắc trong thực tế công việc ở từng vị trí của cán bộ. Trong thế giới hội nhập và cạnh tranh hiện nay, cạnh tranh bằng tâm trí, bằng “chất xám” là hình thức cạnh tranh chủ yếu; dân trí có lên cao thì nhân quyền mới được tôn trọng. Tuy nhiên, dân trí không phải tự nhiên mà có mà đó là sản phẩm của giáo dục; cho nên, phát triển giáo dục là một trong những giải pháp quan trọng để tăng cường sức mạnh của nội lực. Do đó, việc đổi mới giáo dục ở nước ta phải hướng tới nền giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Trong mỗi cơ quan, đơn vị, vai trò của người đứng đầu là không thể phủ nhận. Lúc này, mỗi người lãnh đạo phải ý thức rõ về vai trò thủ lĩnh của mình trong việc phát huy tinh thần tự lực, tự cường và khát vọng phát triển. Đồng thời mỗi người cũng phải tự tìm việc làm, tự lên kế hoạch, tự vượt qua khó khăn để đạt được kết quả tốt nhất trong công việc; mỗi khi gặp khó khăn thì tinh thần tự lực, tự cường trong chúng ta càng phải được trỗi dậy và phát huy cao độ nhất là trong giai đoạn đổi mới như hiện nay.
Tin và ảnh: Phạm Thị Thắm
Để lại một phản hồi