
Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ngày 14/11/2022, Khoa Nông nghiệp đã tổ chức buổi sinh hoạt với chủ đề “Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo và phát triển phụ nữ” cho toàn bộ viên chức của Khoa. Nội dung buổi sinh hoạt do Quý thầy cô thuộc Bộ môn KHCT & PTNT phụ trách.
Hình: Toàn cảnh buổi sinh hoạt
Trong kho tàng tư tưởng phong phú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh những chỉ dẫn quý báu về xây dựng Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc, về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo đời sống của Nhân dân; xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân… thì tư tưởng của Người về vai trò của phụ nữ cũng chiếm vị trí hết sức quan trọng. Người cho rằng: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.
Phụ nữ là một lực lượng to lớn, đóng vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Phụ nữ vừa anh hùng, bất khuất trong đấu tranh lại đảm đang, cần cù, chịu khó trong lao động, sản xuất và nhân nghĩa, thủy chung trong quan hệ gia đình, xã hội. Đó chính là truyền thống quý báu của phụ nữ Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Không có phụ nữ, riêng nam giới không thể làm nổi công cuộc cách mạng”. Thực hiện sự nghiệp giải phóng phụ nữ là nhằm xóa bỏ tư tưởng trọng nam, khinh nữ, xóa bỏ bất bình đẳng xã hội. Do đó, “Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ” và “Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”.
Trong thực tiễn công tác và cuộc sống hàng ngày, Bác Hồ dành nhiều quan tâm, chăm sóc đến cuộc sống của người phụ nữ. Khi đi công tác hoặc về thăm cơ sở, Bác luôn chú ý đến số lượng, tỷ lệ đại biểu nữ và ân cần mời chị em lên hàng ghế đầu, động viên chị em phát biểu ý kiến. Khi thấy cán bộ nữ trưởng thành, tiến bộ, Người động viên, khuyến khích kịp thời. Ở ngành nào, địa phương nào chưa quan tâm đến chị em, có tư tưởng hẹp hòi, không đánh giá đúng khả năng của phụ nữ, Người đã nhắc nhở, phê phán kịp thời. Bác luôn căn dặn phải có chủ trương, chính sách, giải pháp thật cụ thể, thiết thực để tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào công tác chính quyền, đoàn thể; phát huy tài năng, sở trường của họ trong các lĩnh vực phù hợp với bản thân phụ nữ.
Qua buổi sinh hoạt, quý thầy cô trong Khoa cảm nhận và trân quý tấm lòng của Bác dành cho phụ nữ Việt Nam. Thật tự hào khi được Bác tặng cho 8 chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”; quý cô khoa Nông nghiệp luôn cố gắng hết sức để đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục, cho đơn vị công tác; xứng đáng là chỗ dựa tin cậy cho mỗi mái ấm gia đình Việt Nam trong hiện tại và tương lai.
Tin và ảnh: Trần Ngọc Hạnh
Để lại một phản hồi